Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã xây dựng đề tài với mục tiêu thông qua việc điều tra khảo sát năng lực (nhân lực, thiết bị, công nghệ, thị trường), thực trạng ngành cơ khí chế tạo ô tô, đóng tàu, thiết bị đồng bộ, máy nông nghiệp, thiết bị điện, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất định hướng giải pháp phát triển và phương pháp, mô hình tổ chức ngành công nghiệp mũi nhọn cơ khí chế tạo.
Cơ khí Vũng Tàu đã đưa ra những giải pháp sau:
Cơ chế, chính sách:
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời cho ngành. Một mặt thanh lọc các doanh nghiệp hoạt động không lành mạnh, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển. Cần có các qui định bắt các doanh nghiệp cơ khí phải tự thân đổi mới thực sự, nếu không phải chịu phá sản. Cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho ngành. Cần phải có các chính sách hỗ trợ ngành mang tính ổn định và lâu dài, nhất là về mặt KH&CN, nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phụ trợ.
Đầu tư phát triển:
Cần phải có chiến lược đầu tư phù hợp. Phải rà soát lại đầu tư trong toàn ngành và các doanh nghiệp, tổ chức liên quan để nắm được tổng thể chung và có định hướng rõ ràng, tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo, hiệu quả thấp. Dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng đầu tư hiện nay, thị trường trong nước và thế giới trong tương lai, đưa ra định hướng và kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới, trong đó tập trung vào tính hiệu quả, tính cạch tranh.
Nhân lực, thiết bị, công nghệ:
Trong thời kỳ khủng hoảng các doanh nghiệp thường tập trung vào việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ – nhân viên, tìm các giải pháp công nghệ mới để tăng tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp và Nhà nước cần có biện pháp đào tạo lại, đào tạo bổ sung để nâng cao năng lực cán bộ – nhân viên. Nhà nước cần phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí nâng cao, đổi mới công nghệ để có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay và phát triển bền vững sau này, nhất là đối với công nghiệp phụ trợ.